Trang chủ
Phương pháp tăng chiều cao
Vai trò của dinh dưỡng trong việc quyết định thể trạng và chiều cao
Vai trò của dinh dưỡng trong việc quyết định thể trạng và chiều cao
Dinh dưỡng giữ vai trò vô cùng quan trọng, không thể thay thế đối với sức khỏe của mỗi người, “đầu tư” dinh dưỡng không chỉ giúp nâng cao thể lực, trí tuệ mà còn cải thiện tầm vóc vô cùng hiệu quả.
Thiếu hụt dinh dưỡng khiến nhiều người Việt “thấp còi”
Theo số liệu thống kê, trong những năm gần đây tại Việt Nam, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi hiện vẫn còn ở mức khá cao (21,6% năm 2016). Đáng lưu ý hơn, con số này có sự khác biệt rõ rệt khi so sánh giữa các vùng miền, nhóm dân tộc khác nhau. Điển hình như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi ở khu vực miền núi phía Bắc là 30,3% và Tây Nguyên là 34,2%. Tỷ lệ thiếu vitamin A ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13%, thiếu kẽm có tỷ lệ rất cao 69,4%.
Nghiên cứu cho thấy, thể lực và tầm vóc của người Việt Nam còn hạn chế rất nhiều so với các quốc gia lân cận. Từ năm 1993 đến năm 2010, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm được 3cm, hiện đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ. Thực tế này đã tác động không nhỏ tới sự phát triển trí tuệ, thể lực và tầm vóc của nhiều thế hệ tiếp nối.
Các chuyên gia đã đưa ra nhận định, nguyên nhân dẫn đến “thực trạng” trên có liên quan trực tiếp đến yếu tố dinh dưỡng. Do vậy, nhằm cải thiện tầm vóc, thể chất, trí tuệ của người Việt Nam, chúng ta cần phải có những giải pháp can thiệp mạnh mẽ, đặc biệt là về dinh dưỡng ở những giai đoạn quan trọng.
Người Việt “thấp còi” do chưa biết chú trọng dinh dưỡng
Cải thiện dinh dưỡng tạo “nền tảng” tốt cho sự phát triển thể lực và tầm vóc của trẻ
Hiện nay, với sự phát triển không ngừng của xã hội, sự phổ biến của các phương tiện truyền thông, các bậc cha mẹ đã dần hiểu hơn về vai trò của dinh dưỡng đối với sự phát triển thể lực và tầm vóc của con nên đã dần chú trọng hơn đến yếu tố này. Theo dự kiến, trong lần đo đạc tới đây vào năm 2017, “sức vóc” của người Việt sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn.
Theo Bác sĩ Trương Hồng Sơn - viện trưởng Viện Y học ứng dụng, chiều cao của trẻ hoàn toàn có thể phát triển và đạt mức tối ưu nếu bố mẹ biết cách “đầu tư”. Không phải “một sớm một chiều”, việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn trong suốt một quá trình dài từ khi trẻ còn trong bào thai đến tuổi dậy thì, nếu bỏ lỡ những giai đoạn quan trọng này, việc cải thiện gần như là không thể. Và “hành trình” giúp U23 Việt Nam đến với chung kết U23 Châu Á được xem là minh chứng “chân thật” nhất về việc, chỉ cần xây dựng nền tảng tốt, trẻ hoàn toàn có thể khỏe mạnh và cao lớn.
Thực tế cho thấy, ở những giải đấu lớn trong nhiều năm trước, mặc dù có kỹ thuật tốt, tinh thần đồng đội cao, nhưng do sự “yếu thế” về thể lực, các lứa đội tuyển trước thường khó giành được chiến thắng để đi sâu vào vòng trong. Nhằm khắc phục “nhược điểm” này, ở các học viện đào tạo cầu thủ trẻ, đặc biệt là HAGL-Arsenal JMG, chế độ ăn uống của các cầu thủ từ khi còn là U14, U15 đã được quan tâm và đầu tư kĩ hơn. Những chàng trai “vàng” của U23 hầu hết đều được lựa chọn từ khi còn nhỏ và được chăm sóc với một chế độ dinh dưỡng đặc biệt trong suốt những năm còn là học viên, trước khi được chọn đi “chinh chiến” ở những giải lớn trong và ngoài nước.
Bác sĩ Đồng Xuân Lâm (CLB HAGL) cho biết: “Để phát triển chiều cao, ngoài gen di truyền, phương pháp tập luyện, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò rất lớn trong việc nâng cao chiều cao của các VĐV. Thực tế, từ khi gia nhập học viện, thể trạng một số em đã được cải thiện đáng kể. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số em đã vượt qua chiều cao trung bình nếu so với người thân trong gia đình…”. Một trong những điển hình chính là tiền vệ Xuân Trường (học viên khóa I), Trường từng chia sẻ: “Ngoài luyện tập, việc ăn uống điều độ và giàu chất dinh dưỡng đã giúp tôi có được sự phát triển cân bằng và hiện đã cao 1m76”.
Theo đó, để có được những thành công vừa qua, ngoài việc tập luyện chăm chỉ, trau dồi kỹ thuật chơi bóng tốt, tuân thủ kỷ luật - kỷ cương ra, mỗi bữa ăn của cầu thủ U23 Việt Nam luôn phải tuân theo chế độ dinh dưỡng nghiêm ngặt và khoa học như sau:
Tinh bột: Để đảm bảo thể lực, tinh bột là nguồn năng lượng chủ yếu cho các cầu thủ (chiếm 60 - 70%) trong khẩu phần ăn hằng ngày. Các cầu thủ thường ăn những loại thực phẩm chứa tinh bột như: Khoai tây, bánh mì, hạt ngũ cốc, gạo, mì ống…
Protein: Chất đạm (protein) giúp tăng sức mạnh cơ bắp cũng như sự dẻo dai của cơ thể. Do vậy, một chế độ ăn giàu đạm luôn giúp các cầu thủ giữ vững phong độ trên sân cỏ.
Chế độ dinh dưỡng khoa học làm nên thể lực “phi thường” của U23 Việt Nam
Canxi: Đây là dưỡng chất giúp cho hệ xương chắc khỏe, đồng thời giảm thiểu tỷ lệ chấn thương. Các cầu thủ thường bổ sung vi chất này thông qua các thực phẩm như: Sữa ít béo, sữa chua, phô mai, đậu hũ, thịt gà, cá…
Vitamin và khoáng chất: Nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, các loại rau củ, hoa quả tươi giàu vitamin A, vitamin C như: Khoai lang, cà rốt, xoài, cải xoăn, kiwi, đu đủ, dâu tây… luôn luôn “hiện diện” trong khẩu phần ăn hằng ngày của các cầu thủ.
Nước uống: Thường xuyên luyện tập thể lực, thi đấu nên các cầu thủ thường “mất nước” nhiều thông quá trình đổ mồ hôi. Khi đó, bác sĩ phải dựa vào tỉ lệ cân nặng để tính lượng mồ hôi mất đi của từng cầu thủ để bổ sung lượng nước cho phù hợp.
Nhờ chế độ dinh dưỡng hợp lý, thể trạng của các cầu thủ U23 Việt Nam đã cải thiện đáng kể. Dinh dưỡng khoa học giúp các “chân sút” tăng hiệu quả trong luyện tập thi đấu, tăng cường độ nhanh, mạnh, sự dẻo dai, tâm lý vững vàng, ổn định phong độ, phán đoán chính xác, hạn chế đến mức tối thiểu những chấn thương sau va chạm. Từ câu chuyện của U23 Việt Nam, cho thấy rằng, “đầu tư” dinh dưỡng không chỉ giúp trẻ nâng cao thể trạng, sức khỏe, trí tuệ, chiều cao mà còn dễ dàng chinh phục mọi thành công.
Chia sẻ